Cập nhật: 23:59 27/04/2021 | Lần xem: 276
Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2021
Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới được tổ chức hàng năm vào tuần cuối cùng của tháng 4 nhằm mục đích thúc đẩy việc sử dụng vắc-xin để bảo vệ mọi người ở mọi lứa tuổi chống lại bệnh tật. Tiêm chủng giúp cứu sống hàng triệu người mỗi năm và được công nhận là một trong những can thiệp y tế thành công nhất trên thế giới. Tuy nhiên, hiện vẫn còn tới gần 20 triệu trẻ em trên thế giới không được tiêm các loại vắc xin cần thiết. Với chủ đề: “Vắc xin mang chúng ta gần nhau hơn”, Tuần lễ Tiêm chủng Thế giới 2021 hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của cộng đồng vào hoạt động tiêm chủng trên toàn cầu.
Trong khi thế giới tập trung vào các loại vắc-xin mới để phòng chống COVID-19 thì chúng ta vẫn cần đảm bảo không bỏ sót việc tiêm chủng định kỳ. Nhiều trẻ em đã không được tiêm ngừa vắc-xin khác trong đại dịch COVID-19, điều này dẫn đến nguy cơ những trẻ này có thể mắc các bệnh nghiêm trọng như sởi, bại liệt… Không những vậy, những thông tin sai lệch vẫn đang lan truyền nhanh chóng xung quanh chủ đề tiêm chủng càng làm tăng thêm mối đe dọa này. Trong bối cảnh đó, chiến dịch năm nay sẽ hướng tới mục tiêu xây dựng sự đoàn kết và tin tưởng vào công tác tiêm chủng vắc-xin như một lợi ích cho cộng đồng để cứu sống và bảo vệ sức khỏe.
Vắc xin đã mang chúng ta đến gần hơn và sẽ mang chúng ta đến gần nhau hơn một lần nữa
Trong hơn 200 năm qua, vắc-xin đã bảo vệ chúng ta chống lại những căn bệnh nguy hiểm đe dọa đến tính mạng. Nhờ những lợi ích từ vắc-xin, chúng ta không phải gánh chịu những căn bệnh như: đậu mùa, bại liệt… những căn bệnh đã từng khiến nhân loại mất đi hàng trăm triệu sinh mạng. Mặc dù vắc-xin không phải là giải pháp cho mọi vấn đề, nhưng sự phát triển của vắc-xin sẽ đưa chúng ta đến gần hơn với một thế giới không còn bệnh lao, ung thư cổ tử cung…đồng thời chấm dứt các bệnh thường gặp ở trẻ như uốn ván, sởi.
Hiện nay, theo ước tính, chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam đã cứu sống 42.000 người và giúp 6,7 triệu trẻ em phòng ngừa các bệnh như bại liệt, uốn ván, thương hàn, sởi và ho gà với tỷ lệ tiêm chủng cao. Số liệu chính thức của năm 2017 đã cho thấy tỷ lệ tiêm chủng đạt 97% đối với vắc-xin BCG phòng bệnh lao, 97% đối với vắc-xin phòng bệnh sởi mũi 1 và 93% đối với vắc-xin sởi mũi 2. Một số loại vắc-xin mới vẫn chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam. Theo kế hoạch, ít nhất 1 loại vắc-xin mới sẽ được sử dụng trong chương trình tiêm chủng mở rộng trước năm 2025. Mặt khác, an ninh và an toàn vắc-xin là vấn đề cực kỳ quan trọng để duy trì sự ổn định của hệ thống tiêm chủng quốc gia, cũng như việc đầu tư và nghiên cứu mới đang cho phép các phương pháp tiếp cận đột phá để phát triển vắc-xin giúp đưa chúng ta đến gần hơn với một tương lai khỏe mạnh hơn.
Nguồn:
https://www.who.int/news-room/events/detail/2021/04/24/default-calendar/world-immunization-week-2021
https://www.who.int/vietnam/vi/health-topics/immunization/immunization
Hoài Thương – Thủy Tiên – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Hồ Chí Minh (tổng hợp)