Home TIN TỨC & THƯỜNG THỨCTin Khoa học và Đời sống Phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn phục hồi Hậu COVID-19

Phát triển năng lượng tái tạo trong giai đoạn phục hồi Hậu COVID-19

by Kiểm Nghiệm

Đây là giải pháp hiệu quả không chỉ trước mắt mà còn về lâu dài, góp phần tích cực bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Năng lượng tái tạo là các dạng năng lượng thu được từ môi trường tự nhiên hoặc từ các nguồn có thể được bổ sung một cách tự nhiên. Năng lượng gió và năng lượng mặt trời là một thí dụ về nguồn năng lượng vô tận, không ảnh hưởng đến môi trường khi khai thác hay nói cách khác, đây là hai nguồn năng lượng thân thiện với môi trường.

Tài nguyên tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời, gió, thác nước, sức nóng của trái đất (địa nhiệt), sinh khối, sóng, dòng hải lưu, chênh lệch nhiệt độ trong đại dương và năng lượng thủy triều. Về cơ bản, quá trình biến đổi nguồn năng lượng tự nhiên thành năng lượng tái tạo là bằng cách sử dụng các thiết bị kỹ thuật chuyển đổi năng lượng. Đặc biệt, trong 10 năm trở lại đây, năng lượng mặt trời đang được khai thác tích cực, dẫn đầu xu thế tái tạo năng lượng.

Những người từng nghe qua khái niệm của năng lượng sạch thường nghĩ nó thuộc ngành năng lượng tái tạo, nhưng điều này chưa chuẩn xác. Năng lượng sạch là năng lượng không gây hiệu ứng nhà kính, không gây ô nhiễm trong quá trình chuyển đổi. Nguồn năng lượng này không hề gây ô nhiễm môi trường. Còn năng lượng tái tạo mới là tác nhân gây ra vấn đề này, mặc dù có hạn chế. Nói cách khác, năng lượng sạch là năng lượng tái tạo, nhưng năng lượng tái tạo lại không phải là năng lượng sạch.

Tính tới thời điểm hiện tại ở Việt Nam, nhiệt điện than và thủy điện đang chiếm tỷ trọng lớn trong sản xuất điện. Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, giai đoạn 2011-2020, xét đến 2030, đã đặt ra mục tiêu và định hướng phát triển năng lượng tái tạo. Với tổng số giờ nắng cao lên đến hơn 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hằng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm2 theo hướng tăng dần về phía nam là điều kiện tốt để phát triển công nghệ năng lượng mặt trời.

Việt Nam phát triển thành công nhiều dự án năng lượng mặt trời với hơn 100 dự án đã kí hợp đồng mua bán điện (PPA) với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tổng công suất hiện tại của các nhà máy điện mặt trời đã đưa vào vận hành xấp xỉ 6.000MW, chủ yếu tập trung ở các tỉnh miền nam, cụ thể là Nam Trung Bộ. Ninh Thuận và Bình thuận là hai tỉnh tập trung nhiều dự án, chiếm tới hơn 42%. Với nhiều lợi ích mang lại cho Chính phủ cũng như cộng đồng, điện mặt trời áp mái đã được người dân, doanh nghiệp quan tâm.

Với lợi thế đường biển dài hơn 3.200km và tốc độ gió trung bình ở Biển Đông Việt Nam hằng năm lớn hơn 6m/s ở độ cao 65m, phát triển năng lượng gió ở Việt Nam có triển vọng rất lớn, nhất là vùng duyên hải miền trung, Tây Nguyên và các đảo.

Bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc điều hành của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho rằng, năng lượng tái tạo tạo động lực phát triển mới, giúp thu hút đầu tư FDI và thu hẹp khoảng cách phát triển cho các địa phương có tiềm năng ở vùng sâu xa. Qua đó, tăng cơ hội tiếp cận điện và cải thiện điều kiện sống cho nhóm hộ chưa có điện ở các vùng sâu, vùng xa, hẻo lánh.

Bà Khanh dẫn chứng, đơn cử tại Ninh Thuận, nơi có đặc điểm khí hậu vô cùng khắc nghiệt, điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư khi sở hữu tiềm năng về năng lượng tái tạo lớn nhất cả nước.

Việt Nam là một trong số ít các quốc gia vẫn có tăng trưởng dương trong đại dịch Covid-19, dù khiêm tốn, tuy vậy, sản xuất kinh doanh vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Đây là nền tảng để nắm bắt cơ hội tăng cường khả năng tự phục hồi của nền kinh tế thông qua việc đầu tư nhiều hơn vào phục hồi xanh, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam ngày càng chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu.

Với mục tiêu thúc đẩy ngành năng lượng phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát triển của nền kinh tế và đời sống dân sinh, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam tiếp tục tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút vốn đầu tư của toàn xã hội. Đặc biệt, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là định hướng nhất quán của Chính phủ Việt Nam trong phát triển ngành năng lượng.

Nguồn: Vusta

0 Bình luận
0

Related Posts