ĐỊNH GIÁ VÀ GỌI VỐN – ĐIỀU MỌI FOUNDERS CẦN HIỂU RÕ (PHẦN 1)
Với vai trò là một quỹ đầu tư, ThinkZone đã gặp rất nhiều startup lúng túng trong bài toán định giá doanh nghiệp của mình. Các bạn đó gặp khó khăn trong việc ước lượng công ty mình có giá trị bao nhiêu, cần gọi bao nhiêu vốn, và chưa thực sự sẵn sàng cho buổi gặp mặt các nhà đầu tư. Lỗ hổng kiến thức về việc định giá doanh nghiệp khiến các bạn bối rối trước những câu hỏi từ nhà đầu tư, và không thể bảo vệ được giá trị định giá của startup mình.
Việc thiếu kiến thức trong định giá và gọi vốn này có thể mang lại những hậu quả thực sự nghiêm trọng khi các startup không chuẩn bị trước một chiến lược định giá và gọi vốn hiệu quả, thường thường là việc mất cổ phần của founders (hay thậm chí là mất cả công ty vào tay các “cá mập”).
Nguồn ảnh: Internet
Trong bài viết này, ThinkZone sẽ giới thiệu về những điều cơ bản mà mọi founders cần nắm rõ mỗi khi có ý định gọi vốn, bao gồm:
➤ Các giai đoạn gọi vốn của startup
➤ Động lực nào thôi thúc các quỹ đầu tư
➤ Định giá startup ra sao
➤ Làm sao để tối đa hóa giá trị doanh nghiệp
1. CÁC GIAI ĐOẠN GỌI VỐN CỦA STARTUP
Nhìn chung, có thể chia vòng đời gọi vốn của một startup thành các giai đoạn sau: Giai đoạn Seed & Angel, Giai đoạn Growth, và Giai đoạn Exit.
a. Giai đoạn Seed & Angel
Có thể nói đây là vòng huy động vốn với mục tiêu “nuôi sống” và “thành hình” startup từ giai đoạn ý tưởng.
➤ Gọi vốn Seed: Hầu hết vốn huy động cho startup là từ nguồn vốn cá nhân của đội ngũ founders, hoặc từ người thân và bạn bè.
➤ Gọi vốn Angel: Các nhà đầu tư từ vòng Seed và các nhà đầu tư khác có thể rót thêm vốn vào startup với mục tiêu đẩy mạnh marketing và thu thập khách hàng.
b. Giai đoạn Growth
Startup ở giai đoạn này chủ yếu cần vốn để kiểm chứng mô hình kinh doanh, mở rộng kinh doanh (scale-up), đánh chiếm mảng thị trường lớn hơn. Nhìn chung, các Quỹ đầu tư mạo hiểm (Ventures Capital) giữ vai trò chính là nguồn cung vốn cho các hoạt động tăng trưởng này.
➤ Gọi vốn Series A: Đây là thời gian đầu của giai đoạn Growth, và các nhà đầu tư rót vốn vào startup nhằm kiểm chứng mô hình kinh doanh ban đầu của startup đó trên thị trường. Thường thường, startup kêu gọi từ 2 triệu đến 5 triệu USD cho mỗi vòng Series A.
➤ Gọi vốn Series B: Lượng vốn được đầu tư ở vòng này chủ yếu được dùng để giúp startup hoàn thiện hơn mô hình kinh doanh của mình, xây dựng đội ngũ mạnh, và phát triển sản phẩm/dịch vụ. Một vòng Series B thường huy động từ 5 đến 15 triệu USD.
➤ Gọi vốn Series C: Ở giai đoạn sau của quá trình Growth, startup đã có nhu cầu scale up (về thị trường, danh mục sản phẩm, hoặc kênh phân phối,…). Một startup gọi vốn Series C là một startup đã kiểm chứng được sản phẩm và mô hình kinh doanh của mình trên thị trường, và thường gọi nhiều hơn 15 triệu USD ở vòng này.
c. Giai đoạn Exit
Tại điểm này, các quỹ đầu tư thường có xu hướng thu hồi lợi nhuận từ nguồn đầu tư của mình và chia cho các nhà đầu tư góp tiền vào quỹ. Về cơ bản có thể nói, hành trình đầu tư của một startup đã được hoàn thành.
➤ Mua bán và Sáp nhập (M&A): Đa phần startup với tinh thần Build-to-sell sẽ bán lại doanh nghiệp của mình cho các doanh nghiệp khác. Và các nhà đầu tư từ vòng trước thường sẽ rút vốn ở thời điểm này.
➤ Initial Public Offering (IPO): Một vài startup như Google và Facebook, với tinh thần Build-to-last, lựa chọn tiếp tục duy trì doanh nghiệp của mình và hướng đến mục tiêu tăng trưởng hơn nữa giá trị công ty thông qua việc chào bán cổ phiếu ra thị trường. Với chiến lược này, công ty cũng phải đánh đổi việc cổ phiếu của mình được sở hữu bởi nhiều người hơn, tuy nhiên lượng vốn thanh khoản huy động được cũng nhiều hơn.
➤ Private (tư nhân): Trái ngược với việc phát hành cổ phiếu ra công chúng, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tiếp tục phát triển mà vẫn đảm bảo cổ phần doanh nghiệp được nắm giữ bởi chỉ một số người nhất định. Công ty có thể tiếp tục gọi vốn các vòng Series D, Series E,… Ngoài ra công ty cũng có thể gọi vốn dưới dạng vay nợ thay vì đổi lấy cổ phần để tránh việc “pha loãng cổ phần” trong công ty.
Lưu ý: Startup ở giai đoạn càng sớm, thì mô hình kinh doanh của nó càng ít được kiểm chứng, dẫn đến rủi ro càng cao, và định giá doanh nghiệp càng thấp. Nói cách khác, một nhà đầu tư Series A sẽ mong đợi 1 khoản thu hồi (ROI) cao hơn so với nhà đầu tư Series B, và ông này lại mong một lượng ROI cao hơn so với ông nhà đầu tư Series C,…
Nguồn ảnh: Internet
2. ĐỘNG LỰC NÀO THÔI THÚC CÁC QUỸ ĐẦU TƯ?
Gọi được vốn đầu tư từ các VC không phải chuyện đơn giản. Tỉ lệ đầu tư của các VC nói chung là khoảng 1 trên 150 thương vụ. Tại sao các quỹ đầu tư lại kén chọn như vậy? Bạn cần phải hiểu đâu là động lực đằng sau các quỹ khi đánh giá đầu tư cho các startup.
Một điều bạn cần biết là giữa các VC cũng có sự cạnh tranh lẫn nhau. Và họ cạnh tranh không phải ở số lượng startup họ đầu tư, mà ở lượng đầu tư cho các startup. Có một sự thật rằng ngay cả những startup được đầu tư bởi VC sau đó cũng thất bại không ít, và các VC thu hồi vốn chủ yếu từ một số ít thương vụ đầu tư thành công. Do vậy, họ chú trọng vào việc chọn ra những startup sáng giá nhất để đầu tư một lượng vốn lớn vào đó (dẫu việc chọn ra này cũng không hề dễ dàng), sao cho ROI từ những thương vụ thành công bù đắp được phần lỗ từ những thương vụ “hỏng”, chứ không chia ngân sách của mình cho nhiều startup (để rồi phần đa thất bại mà lượng ROI lại không cao). Các VC chỉ thắng trong một vài thương vụ; nhưng một khi họ thắng, họ thu lại được rất nhiều.
Dưới đây là ví dụ về portfolio đầu tư của một VC. VC này có ngân sách 1 triệu USD để đầu tư cho 10 startup, và hướng đến Tỉ suất hoàn vốn nội bộ (Internal Rate of Return – IRR) là 26%/năm trên tổng vốn trong suốt 10 năm. Nếu cả 10 startup đều có khả năng đạt 26% IRR, quỹ sẽ tăng lên 10 lần (~ 1.26^10) sau 10 năm, tức từ ngân sách 1 triệu USD đầu tư ban đầu sẽ tăng lên khoảng 10.08 triệu USD.
Giả sử quỹ 1 triệu USD được chia đều, tức $100,000 cho mỗi startup. Nhà đầu tư sẽ kỳ vọng mỗi thương vụ sẽ đạt được 26% IRR trong suốt 10 năm, và hoàn lại 10x ROI sau 10 năm (mỗi khoản đầu tư $100,000 được kì vọng sẽ mang lại 1.08 triệu USD sau 10 năm). Tuy nhiên thực tế lại không được như vậy.
Thường thường đa phần các startup thất bại, và các khoản đầu tư đó chẳng thu được mấy. Theo số liệu trong portfolio kể trên, trong 10 startup chỉ các các startup S8, S9, và S10 thành công, và chiếm phần đa trên tổng ROI; trong khi đó, các startup S4, S5, S6 và S7 có một lộ trình kinh doanh khá gập ghềnh, lượng ROI không cao; còn các startup S1, S2, và S3 thì dừng hoạt động và cạn tiền.
Thực tế, để đạt được 10x ROI trên tổng portfolio trong 10 năm, chỉ cần có 3 khoản đầu tư đạt từ 38-44% IRR, hay 25x đến 28x ROI, trong vòng 10 năm. Nhìn vào số liệu, các startup từ S1 đến S7 nhận tổng vốn đầu tư $700,000 và sau 10 năm thu lại tổng cộng $525,000, tức một khoản lỗ $175,000. Trong khi đó, chỉ với 3 startup thành công, S8, S9, S10, tổng thu sau 10 năm là $9,560,686, tức khoản lời $9,260,686 so với $300,000 đầu tư ban đầu, đủ bù lỗ của các thương vụ khác, và thu lại rất nhiều lợi nhuận.
Sự thực là, nếu một startup thành công, thì nó có thể tăng trưởng với tỉ lệ cực kì lớn (như 25x-28x ROI ở ví dụ trên, hoặc còn hơn thế nữa); và nếu VC khắt khe trong quá trình thẩm định của mình, và có thể chọn ra, rồi chia khoản 1 triệu USD chỉ đầu tư cho các startup S8, S9, S10, thì lượng tiền thu về có thể hơn 25 lần vốn ban đầu. Đó chính là động lực khiến các VC rất kén chọn trong các khoản đầu tư của mình.
Trong phần tiếp theo của loạt bài viết, ThinkZone sẽ giới thiệu tới các bạn các bước định giá doanh nghiệp, và những lưu ý để có thể tối đa hóa giá trị này. Các bạn hãy đón đọc nhé.
(To be continued)