Home TIN TỨC & THƯỜNG THỨCTin Khoa học và Đời sống Làm sao để chẩn đoán nhiễm vi trùng Helicobacter pylori?

Làm sao để chẩn đoán nhiễm vi trùng Helicobacter pylori?

by Kiểm Nghiệm

Cập nhật: 17:37 19/04/2021 | Lần xem: 263

Làm sao để chẩn đoán nhiễm vi trùng Helicobacter pylori?
Vi trùng Helicobacter pylori (HP) là tác nhân gây nhiễm trùng chủ yếu ở dạ dày, gây ảnh hưởng đến hơn một nửa dân số toàn cầu. Vi trùng HP liên quan đến những bệnh lý ở dạ dày bao gồm viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày tá tràng, lymphoma ở dạ dày và đặc biệt là ung thư dạ dày. HP dễ dàng lây qua đường ăn uống do thói quen như dùng chung chén, đũa, ly nước… Cho đến hiện nay, chẩn đoán và điều trị HP vẫn còn là một thách thức đối với các bác sĩ trên toàn thế giới.

Ảnh minh họa (nguồn internet)

 

Những trường hợp cần tìm và diệt HP

Biểu hiện lâm sàng của nhiễm H.pylori rất đa dạng. Những bệnh lý hoặc tình trạng sau được chứng minh có liên quan và có chỉ định tìm và tiệt trừ HP:

– Loét dạ dày tá tràng: là bệnh lý thường gặp nhất liên quan đến nhiễm H. pylori. Triệu chứng thường không đặc hiệu, một số bệnh nhân có thể có triệu chứng đau bụng, buồn nôn, hoặc nôn. Tuy nhiên, một số bệnh nhân, đặc biệt là người lớn tuổi có thể không có triệu chứng (loét câm), thường nhập viện vì những biến chứng liên quan đến loét như xuất huyết tiêu hóa, hẹp môn vị hay thủng dạ dày. Điều trị HP giúp tăng cường khả năng lành của loét và tránh đưa đến các biến chứng.

– Bệnh nhân có chỉ định sử dụng thuốc kháng viêm giảm đau không chứa steroid (NSAIDS) và Aspirin kéo dài: sử dụng NSAIDS hay Aspirin là yếu tố nguy cơ đưa đến loét dạ dày tá tràng. Điều trị HP sẽ làm giảm nguy cơ trên những bệnh nhân này.

– Khó tiêu chưa được khảo sát: khó tiêu là tập hợp những triệu chứng khó chịu ở vùng thượng vị bao gồm đau, đầy hơi, cảm giác no sớm. Ở những bệnh nhân không có bệnh lý thực thể, tình trạng này có thể được phân loại thành khó tiêu chức năng. Tuy nhiên, HP cũng là một trong những nguyên nhân gây nên khó tiêu ở một số bệnh nhân. Do đó, Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ khuyến cáo tìm HP ở bệnh nhân có tình trạng khó tiêu chưa được khảo sát.

– Viêm trào ngược dạ dày thực quản (GERD: Gastroesophageal Reflux Disease): ở những bệnh nhân GERD thường có chỉ định dùng thuốc ức chế bơm proton kéo dài. Điều này làm tăng nguy cơ đưa đến viêm teo niêm mạc dạ dày nếu có đồng nhiễm H.pylori. Do đó, tìm và diệt H.pylori được khuyến cáo trên những bệnh nhân này.

– Ung thư dạ dày: là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng thứ ba trên thế giới. HP đóng góp vào xấp xỉ 80% trường hợp ung thư dạ dày. Cụ thể HP được cho là tác nhân thúc đẩy sự tiến triển của viêm dạ dày mạn tính đến viêm teo niêm mạc dạ dày, dẫn đến chuyển sản ruột, loạn sản và đưa đến ung thư.

– Lymphoma của mô bạch huyết liên quan đến niêm mạc dạ dày (MALT: mucosal associated lymphoid tissue). U MALT phát triển từ viêm dạ dày mạn tính do HP.

– Một số bệnh lý huyết học được cho là có liên quan đến nhiễm HP bao gồm thiếu máu thiết sắt không rõ nguyên nhân, thiếu vitamin B12, xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn. Cần tìm và diệt HP trên những bệnh nhân này khi không tìm được nguyên nhân nào khác giải thích được.

Phương pháp chẩn đoán nhiễm HP

– Nội soi dạ dày làm Clo – test: Phương pháp này dựa trên cơ sở vi trùng HP có khả năng tiết men urease phân hủy ure. Một mẫu mô dạ dày lấy qua sinh thiết được cho vào mẫu thử có chứa ure và chất chỉ thị màu pH. Xét nghiệm dương tính thì ure bị phân hủy thành CO2 và amoniac làm thay đổi môi trường pH đưa đến đổi màu chất chỉ thị. Đây là phương pháp được sử dụng rộng rãi, có độ nhạy và độ đặc hiệu cao > 90%.

– Xét nghiệm mô học: Chẩn đoán tế bào không chỉ giúp phát hiện H.pylori mà còn đánh giá được tổn thương mô học của dạ dày.

– Nuôi cấy: Nuôi cấy là phương pháp tốn nhiều chi phí và thời gian trong phát hiện vi trùng HP. Mẫu mô của dạ dày được lấy thông qua sinh thiết và được nuôi cấy trong môi trường đặc biệt. Kỹ thuật có độ nhạy thấp hơn so với xét nghiệm mô học và Clo-test, tuy nhiên độ đặc hiệu là 100%. Trong thực hành lâm sàng, nuôi cấy chủ yếu áp dụng trong trường hợp vi khuẩn kháng thuốc, bệnh nhân đã thất bại điều trị nhằm tìm ra kháng sinh đồ phù hợp.

– Xét nghiệm hơi thở tìm H.pylori: Phương pháp này cũng dựa trên cơ sở khả năng tiết men urease của HP. Bệnh nhân được cho uống dung dịch đồng vị phóng xạ C13 có gắn urea. Trường hợp bệnh nhân có H.pylori, urea sẽ bị phân hủy tạo ra amoniac và CO2 có gắn đồng vị phóng xạ được hấp thu vô máu, đưa đến phổi và được phát hiện qua khí thở của bệnh nhân. Phương pháp có độ nhạy, độ đặc hiệu cao (> 95%), được áp dụng rộng rãi trong trường hợp bệnh nhân không muốn nội soi dạ dày.

– Tìm kháng nguyên trong phân: Đây là phương pháp không xâm lấn cũng được sử dụng rộng rãi, nhằm phát hiện kháng nguyên HP trong mẫu phân. Phương pháp có độ nhạy và độ đặc điệu cao trên 90%.

– Huyết thanh chẩn đoán: Huyết thanh chẩn đoán phát hiện kháng thể IgM/IgG kháng HP trong máu. Phương pháp này không được khuyến cáo trong chẩn đoán HP do kháng thể thường tồn tại lâu dài sau khi nhiễm, kể cả khi đã tiệt trừ. Tuy nhiên, do đây là phương pháp có giá trị tiên đoán âm cao (>90%) nên có thể được sử dụng như công cụ tầm soát ở những dân số có tỉ lệ mắc bệnh thấp.

– Sinh học phân tử (Polymerase Chain Reaction: PCR): Phương pháp ít được sử dụng trong thực hành lâm sàng do cần có trang thiết bị hiện đại và chi phí cao. PCR có thể được thực hiện xâm lấn (lấy mô dạ dày) hoặc không xâm lấn (nước bọt, phân,..). PCR chủ yếu dùng trong nghiên cứu, định genotype và đánh giá tình trạng đề kháng kháng sinh của vi khuẩn.

Những lưu ý trước khi thực hiện xét nghiệm tìm HP

Bệnh nhân cần nhịn ăn, ngưng các thuốc kháng tiết acid ít nhất 2 tuần và ngưng kháng sinh ít nhất 4 tuần bao gồm cả bismuth để tránh đưa đến âm tính giả.

Tài liệu tham khảo:

Bernardo Guevara, Asha Gupta Cogdill. Helicobacter pylori: A Review of Current Diagnostic and ManagementStrategies (2020). Digestive Diseases and Sciences.

ThS.BS. Phạm Quang Thiên Phú – Khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Nhân dân 115

0 Bình luận
0

Related Posts