Home TIN TỨC & THƯỜNG THỨCTin Khoa học và Đời sống Những đồn đoán và lầm tưởng về vắc-xin (phần 2)

Những đồn đoán và lầm tưởng về vắc-xin (phần 2)

by Kiểm Nghiệm

Cập nhật: 15:14 20/04/2021 | Lần xem: 349

Những đồn đoán và lầm tưởng về vắc-xin (phần 2)

1/ Việc cho trẻ tiêm nhiều loại vắc-xin cùng một lúc có làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ bất lợi và làm quá tải hệ miễn dịch?

Trong cuộc sống hằng ngày, trẻ em tiếp xúc với nhiều kháng nguyên lạ hàng ngày. Các dữ liệu khoa học hiện có cho thấy việc tiêm chủng đồng thời nhiều loại vắc-xin không gây tác dụng phụ đối với hệ thống miễn dịch bình thường của trẻ nhỏ. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng các loại vắc-xin được khuyến cáo sử dụng kết hợp có hiệu quả giống như khi được sử dụng riêng lẻ.

2/ Tại sao một số vắc-xin lại được kết hợp với nhau, chẳng hạn như vắc-xin phòng bệnh sởi, quai bị và rubella?

Các nghiên cứu vẫn đang được tiến hành để tìm cách kết hợp nhiều loại vắc-xin với nhau. Phương pháp kết hợp nhiều loại vắc-xin với nhau cung cấp tất cả những ưu điểm của các loại vắc-xin riêng lẻ. Việc kết hợp này giúp trẻ chủng ngừa càng sớm càng tốt nhằm bảo vệ trẻ trong những tháng đầu đời dễ bị tổn thương. Đồng thời, số lần trẻ phải đến phòng khám để tiêm ngừa ít hơn, điều này giúp cha mẹ tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc. Ngoài ra, ở những quốc gia ít có khả năng tiếp cận với dịch vụ y tế sẽ đảm bảo rằng trẻ không bị bỏ lỡ mũi tiêm ngừa nào và hoàn thành việc tiêm chủng theo đúng khuyến cáo.

3/ Vắc-xin gây ra các tác dụng phụ bất lợi, bệnh tật hoặc thậm chí tử vong? Hay có những tác động lâu dài mà chúng ta chưa biết?

Hầu hết các phản ứng sau tiêm chủng đều là phản ứng nhẹ và tạm thời, chẳng hạn như đau chỗ tiêm hoặc sốt. Những tác dụng phụ này thường có thể được kiểm soát sau tiêm. Một số phản ứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra nhưng rất hiếm. Một điều nữa đó là rất ít trường hợp tử vong là do vắc-xin. Trường hợp tử vong đều phải được điều tra kỹ lưỡng để đánh giá liệu đây có thực sự liên quan đến vắc-xin hay không, và nếu có thì nguyên nhân chính xác là gì. Sau khi điều tra, nếu có liên quan đến vắc-xin, thì nguyên nhân thường được phát hiện là do lỗi trong quy trình tiêm chủng, không liên quan đến khâu sản xuất vắc-xin.

4/ Quá nhiều sự biện hộ cho việc tiêm chủng khi có rủi ro xảy ra?

Chỉ nhìn vào nguy cơ là không đủ, bạn phải nhìn vào cả nguy cơ và lợi ích. Nếu không có vắc-xin, sẽ có thêm nhiều trường hợp mắc bệnh, cùng với đó là những biến chứng nghiêm trọng và nhiều trường hợp tử vong hơn. Ví dụ, theo một phân tích về lợi ích và nguy cơ nếu không có chương trình chủng ngừa ho gà ở Hoa Kỳ, các ca ho gà có thể tăng gấp 71 lần và tử vong do ho gà có thể tăng gấp 4 lần. So sánh nguy cơ mắc bệnh với nguy cơ do vắc-xin có thể cho chúng ta thấy được về những lợi ích mà chúng ta nhận được khi tiêm chủng.

Thực tế là một đứa trẻ có nguy cơ bị tổn thương nặng do mắc bệnh nhiều hơn so với việc tiêm bất kỳ loại vắc-xin nào. Mặc dù có một số trường hợp có thể gặp các phản ứng nghiêm trọng hoặc tử vong do vắc-xin, nhưng rõ ràng là lợi ích của việc tiêm chủng vượt trội hơn rất nhiều so với những nguy cơ khi tiêm chủng. Thật vậy, sẽ có rất nhiều trường hợp mắc bệnh hoặc tử vong xảy ra nếu không được tiêm vắc-xin.

5/ Một số bệnh có thể phòng ngừa bằng vắc-xin hầu như đã bị loại trừ khỏi đất nước của tôi. Vậy tại sao tôi vẫn nên tiêm phòng cho con?

Đúng là tiêm chủng đã giúp chúng ta giảm hầu hết các bệnh có thể phòng ngừa được. Tuy nhiên, một số nơi khác trên thế giới vẫn còn dịch bệnh và du khách có thể vô tình mang những mầm bệnh này vào bất kỳ quốc gia nào. Do đó, nếu cộng đồng không được bảo vệ bằng cách tiêm chủng, những căn bệnh này có thể nhanh chóng lây lan khắp nơi và gây thành dịch.

Chúng ta vẫn nên tiêm phòng bởi hai lý do chính: Đầu tiên là để bảo vệ chính mình. Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng khả năng mắc bất kỳ bệnh nào trong số này là nhỏ, các bệnh vẫn tồn tại và vẫn có thể lây nhiễm cho bất kỳ ai không được bảo vệ. Thứ hai là bảo vệ những người xung quanh chúng ta: Có một số ít người không thể tiêm vắc-xin (ví dụ như những trường hợp dị ứng nghiêm trọng với các thành phần vắc-xin) và một tỷ lệ nhỏ không có đáp ứng miễn dịch sau tiêm vắc-xin. Những người này rất dễ mắc bệnh, và hy vọng bảo vệ duy nhất của họ là những người xung quanh được miễn dịch và không lây truyền bệnh cho họ. Một chương trình tiêm chủng thành công phụ thuộc vào sự hợp tác của mọi cá nhân để đảm bảo lợi ích của tất cả mọi người.

Nguồn:

https://www.who.int/news-room/q-a-detail/vaccines-and-immunization-myths-and-misconceptions

Hoài Thương,Thủy Tiên – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM

0 Bình luận
0

Related Posts