Home TIN TỨC & THƯỜNG THỨCTin Khoa học và Đời sống Tay chân miệng vào mùa, làm sao để con bạn an toàn?

Tay chân miệng vào mùa, làm sao để con bạn an toàn?

by Kiểm Nghiệm

Cập nhật: 16:13 20/04/2021 | Lần xem: 952

Tay chân miệng vào mùa, làm sao để con bạn an toàn?
 

Bác sĩ Trương Hữu Khanh thăm khám cho một trẻ mắc bệnh tay chân miệng

 

* Bệnh tay chân miệng là bệnh gì? Hình thức lây nhiễm của bệnh này là gì? Triệu chứng của bệnh? Bệnh thường xảy ra ở độ tuổi nào?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Do tính chất sang thương xuất hiện ở tay chân miệng mà người ta gọi là bệnh tay chân miệng.

Triệu chứng của bệnh là các bóng nước nổi ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối và miệng. Bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên với lứa tuổi khác thì cũng có thể mắc bệnh.

Bệnh này lây qua đường tiêu hóa nhưng nguồn chứa virus nhiều nhất là chất tiết từ vùng hầu họng, nước miếng phát tán ra môi trường xung quanh thông qua vật dụng và bàn tay.

Có phải bệnh tay chân miệng chỉ xuất hiện theo mùa, hết mùa thì không có bệnh này nữa phải không?

– Bác sĩ Lê Hồng Nga: Bệnh tay chân miệng là bệnh lưu hành tại Việt Nam. Bệnh xuất hiện ở tất cả các tháng trong năm, cao điểm vào tháng 3 – 4 và tháng 9 đến cuối năm. 

Bệnh lây truyền qua đường phân miệng. Virus gây bệnh có trong phân và dịch tiết hô hấp của người bệnh hoặc người mang mầm bệnh. Người lành tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc cầm nắm, chạm tay vào những đồ vật hoặc bề mặt nhiễm dịch tiết mang virus sẽ nhiễm bệnh. 

Vì vậy để phòng bệnh, mọi người cần hạn chế tiếp xúc với người bệnh và rửa tay bằng xà phòng. Đối với nhà có trẻ em dưới 5 tuổi và các trường mầm non, cần vệ sinh đồ chơi và các bề mặt trẻ thường tiếp xúc bằng các chất khử khuẩn thông thường như javel.

* Bệnh tay chân miệng xảy ra như thế nào thì gọi là dịch?

– Bác sĩ Lê Hồng Nga:Dịch tay chân miệng được xác định tại một địa phương, ở một thời gian nhất định khi số ca bệnh tăng cao so với số ca bệnh trong thời gian trước đó thì gọi là dịch.

Khi phát hiện 1 ca bệnh tay chân miệng hoặc các bệnh truyền nhiễm khác, người dân cần thông báo cho trạm y tế phường xã để được hướng dẫn các biện pháp phòng bệnh.

Đối với mỗi gia đình có trẻ em dưới 5 tuổi, luôn phải thực hiện các biện pháp phòng bệnh như rửa tay bằng xà phòng (với cả trẻ em và người lớn) và vệ sinh đồ dùng, đồ chơi và các bề mặt nơi trẻ sinh hoạt hàng ngày bằng xà phòng và các chất khử khuẩn thông thường như javel (nước tẩy trắng quần áo).

Ngoài ra, nếu tại nơi ở có trẻ bị tay chân miệng, bạn cần cách ly con bạn, không cho bé tiếp xúc với trẻ bệnh trong vòng 10 ngày kể từ ngày khởi phát bệnh.

* Làm thế nào để phòng ngừa bệnh tay chân miệng cho trẻ?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cơ bản là rửa tay và cách ly trẻ bệnh. Người lớn và trẻ em đều phải rửa tay. Người lớn rửa tay trước khi chăm sóc trẻ, sau khi đi đến vùng có bệnh về. Trẻ em rửa tay trước khi vô lớp, sau khi ra khỏi lớp, trước khi vào nhà. Cách làm này để cắt nguồn lây từng vùng này sang vùng khác.

Trẻ mắc bệnh cần được phát hiện sớm và cách ly ít nhất 10 ngày. Do đó, trẻ có đi học thì khi mắc bệnh nên ở nhà và báo ngay cho cô giáo để thực hiện các biện pháp phòng ngừa tại trường, tránh lây lan cho trẻ khác.

Nơi trẻ mắc bệnh, để tiêu diệt nguồn virus tồn tại nên rửa đồ chơi, sàn nhà, tay nắm cửa và các vật dụng có thể mang mầm bệnh bằng dung dịch sát trùng.

* Xin bác sĩ cho biết độ tuổi nào có nguy cơ bị bệnh tay chân miệng nhất? (Thanh Hương, Hà Nội)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:Trẻ dưới 3 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tay chân miệng cao nhất, nhưng tất cả các lứa tuổi khác đều có thể mắc bệnh.

* Bệnh tay chân miệng có thuốc đặc trị để điều trị không? (Văn Dương, Bến Tre)

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Hiện nay bệnh tay chân miệng chưa có thuốc đặc trị, chỉ có thuốc hỗ trợ khi có biến chứng giúp cho trẻ mắc bệnh vượt qua giai đoạn nặng, sau đó tự hồi phục.Tỷ lệ tử vong ở tay chân miệng hiện nay giảm rất nhiều so với 5-10 năm trước.Nếu trẻ được phát hiện bệnh sớm, các biến chứng và độc lực của virus không cao thì đa số các trẻ đều hồi phục hoàn toàn dù có biến chứng nặng.

* Có vắc xin phòng bệnh tay chân miệng không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh:Vắc xin phòng bệnh tay chân miệng hiện nay chỉ có Trung Quốc sản xuất nhưng không nhập về Việt Nam.Hiện nay, ở Việt Nam đang thử nghiệm giai đoạn 3 loại vắc xin của Đài Loan tại 2 tỉnh miền Tây là Đồng Tháp và Tiền Giang. Nếu thử nghiệm này tốt thì có lẽ vào năm 2022, vắc xin này mới có ở thị trường Việt Nam.

* Các dấu hiệu để phát hiện bệnh tay chân miệng ở trẻ nhỏ?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:Dấu hiệu điển hình của tay chân miệng là các bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối và miệng. Có trẻ chỉ nổi bóng nước mà không loét miệng. Có trẻ chỉ loét miệng mà không có bóng nước ở da. Đó là các dấu hiệu ban đầu của tay chân miệng.

* Dấu hiệu nào cho thấy trẻ đang bị tay chân miệng nặng?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:Trẻ sốt cao, khó hạ trên 39 độ. Trẻ sốt trên 2 ngày. Trẻ nôn nói. Đó là các trẻ có nguy cơ có biến chứng.

* Tay chân miệng có để lại di chứng gì nguy hiểm đến tính mạng không?

– Bác sĩ Lê Hồng Nga:Tay chân miệng là bệnh do các virus thuộc họ virus đường ruột gây ra. Bệnh cấp tính với các triệu chứng điển hình như sốt, mụn nước ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối, mông, loét miệng. Bệnh thường tự khỏi sau vài ngày, không để lại di chứng.

* Xin bác sĩ cho biết các biến chứng của bệnh tay chân miệng. Cần làm gì để tránh các biến chứng này?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:Biến chứng của bệnh tay chân miệng có nhiều mức độ: ảnh hưởng thần kinh trung ương, ảnh hưởng thần kinh thực vật, ảnh hưởng tim mạch tuần hoàn.Không có cách tránh biến chứng vì tùy thuộc vào cơ địa và độc lực của virus nhưng trẻ càng nhỏ, càng dễ biến chứng hơn. Việc quan trọng là phát hiện sớm các biến chứng.

Trẻ giật mình, chới với, run chi, yếu tay chân, thở mệt là các dấu hiệu cho thấy trẻ đã biến chứng.

Nếu con bạn rơi vào 2 tình huống này thì nên đưa trẻ đến khám tại bệnh viện ngay.

* Nghe nói bệnh tay chân miệng được phân loại thành 4 cấp độ, từ nặng tới nhẹ. Xin bác sĩ cho biết về các cấp độ này?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:Cấp độ 1 là cấp độ thường thấy của tay chân miệng, chưa có biến chứng là cấp độ nhẹ nhất. Độ này có thể điều trị tại nhà và tái khám.

Từ độ 2 tới độ 4 thì phải khám tại bệnh viện và đa số phải nhập viện theo dõi. Độ 2b, độ 3, độ 4 là độ đã có biến chứng cần điều trị và theo dõi sát mới tránh được tử vong.

* Nếu bị tay chân miệng có nhất thiết phải nằm viện không?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:Đa số bệnh nhi bị tay chân miệng có thể trên 90% là độ 1. Đây là độ điều trị tại nhà được. Điều trị tại nhà cũng chỉ theo dõi thôi chứ không cần thuốc đặc hiệu gì cả. Bạn có thể đưa bé đến khám bác sĩ gần nhà để được xác định, chẩn đoán và theo dõi.

* Con tôi bị cấp độ 1 và điều trị tại nhà. Tôi không muốn về nhà mà vô bệnh viện điều trị có được không?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Cấp độ 1 là cấp độ nhẹ nhất của tay chân miệng. Cấp độ này có thể điều trị tại nhà và tái khám gần nhà. Nằm bệnh viện thì sẽ gia đình sẽ cực thêm vì bệnh nhi đông, bạn phải bỏ công ăn việc làm, một trẻ mắc bệnh, muốn chăm sóc tại bệnh viện thì phải ít nhất có 2 người nuôi. Do vậy với việc con bạn mắc tay chân miệng cấp độ 1, bạn nên cho trẻ ở nhà và tái khám thì sẽ tiện hơn cho việc chăm sóc.

* Dấu hiệu nào cho thấy bé đã khỏi bệnh tay chân miệng?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Dấu hiệu bớt bệnh là bé từ sốt cao sau đó hạ sốt dần cho đến hết sốt; mụn nước không nổi thêm và khô dần.

Dù các triệu chứng đã giảm nhưng bạn vẫn cần theo dõi các biến chứng như giật mình chới với, sốt cao liên tục, run chi. Chỉ khi nào đủ 7-10 ngày thì mới là thời gian an toàn, không biến chứng.

* Bé bị tay chân miệng sau khi hết sốt, không còn nổi mụn nước thì cho bé đi học lại được chưa,?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:Bệnh sẽ tự hồi phục từ 7 – 10 ngày và sẽ không còn lây bệnh sau 10 ngày.Các triệu chứng liên quan tới mụn nước và sốt không có giá trị cho việc hết bệnh hay hết lây.

Chỉ nên cho trẻ đi học sau 10 ngày phát hiện bệnh. Dù không sốt, mụn đã khô, nhưng chưa đủ 10 ngày thì cơ thể bé vẫn có thể phát tán virus ra môi trường xung quanh và lây cho trẻ khác.

* Nhà có bé đang bị tay chân miệng. Vậy phải vệ sinh nhà cửa, đồ chơi và quần áo như thế nào?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh : Quan trọng nhất là đồ chơi và sàn nhà. Đồ chơi thì rửa sạch bằng xà phòng hay dung dịch javel, sau đó phơi nắng. Sàn nhà thì dùng dung dịch sát trùng. Quần áo thì chỉ cần giặt sạch như bình thường.Bạn có thể liên lạc với trạm y tế gần nhất để nghe những hướng dẫn chi tiết về các dung dịch sát trùng có thể dùng trong bệnh tay chân miệng.

* Với các cháu đã mắc bệnh tay chân miệng rồi thì có khả năng tái bệnh lại không?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh:Tay chân miệng do nhiều loại virus khác nhau gây ra. Nên dù đã mắc 1 lần, bé vẫn có thể mắc lại. Trẻ có thể mắc tay chân miệng nhiều lần cho đến khi hơn 3 tuổi thì mới giảm khả năng mắc bệnh. Do vậy việc phòng ngừa phải thực hiện thường xuyên.

* Con tôi đang bị bệnh tay chân miệng nằm ở bệnh viện. Tôi có nên cho đứa em 4 tuổi của cháu vào thăm không?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:Bạn không nên cho trẻ vào thăm dù là với các bệnh không lây nhiễm vì môi trường bệnh viện nhi có nhiều nguồn lây, có thể làm cho trẻ lành mạnh mắc bệnh.

Muốn các bé gặp nhau, bạn nên chờ bé khỏe hẳn về nhà. Chuyện này cũng nên áp dụng cho người lớn. Hiện nay, 1 người mắc bệnh có rất nhiều người khác đến thăm sẽ làm cho môi trường của bệnh viện không còn an toàn cho việc chăm sóc bệnh nhân, có thể những người này là nguồn phát tán bệnh từ bệnh viện ra môi trường bên ngoài.

*Vì sao người lớn cũng mắc bệnh tay chân miệng?

Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ em dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, trong trường hợp bệnh có nhiều người mắc thì người lớn cũng có thể bị. Nhưng người lớn bị thì triệu chứngrất nhẹ và thường thoáng qua, tự khỏi.

*Sản phụ nếu bị bệnh tay chân miệng thì có ảnh hưởng đến thai nhi không?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:  Đa số các trường hợp phụ nữ mang thai mắc bệnh tay chân miệng đều không ảnh hưởng tới thai nhi. Chỉ những người phụ nữ vừa sanh xong mà mắc tay chân miệng thì có thể lây cho trẻ sơ sinh.

* Bé mắc bệnh tay chân miệng có cần kiêng khem gì không?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Trẻ mắc bệnh tay chân miệng không cần kiêng khem gì cả. Các mụn nước ở da của trẻ cần được tắm rửa sạch sẽ như khi chưa mắc bệnh. Chỉ những trường hợp trẻ lở miệng, đau nhiều thì không nên ăn thức ăn quá nóng, quá mặn, quá cay, quá cứng.

* Cách vệ sinh các vết loét trong miệng khi bé đang bị tay chân miệng như thế nào?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:Bạn có thể sử dụng nước muối sinh lý để rơ miệng cho trẻ. Có thể dùng các thuốc cho trẻ ngậm hay rơ như Varosel, Phophalusel, Kin Baby, đồng thời cho trẻ uống nhiều nước.

* Các nốt phỏng nổi cộm lên mặt da khi bong tróc có để lại vết sẹo như bệnh trái rạ không?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Bệnh tay chân miệng không để lại sẹo. Nốt này sẽ tự lành trong vòng 7-10 ngày, sau đó da có thể thâm nhưng mờ dần và da sẽ trở lại bình thường.

Ngoại trừ trường hợp phụ huynh làm bội nhiễm do không tắm rửa, dùng vật nhọn chọc vào mụn nước gây nhiễm trùng mới có thể nhiễm trùng da nặng và để lại sẹo, nếu chăm sóc bình thường sẽ không để lại sẹo.

* Có cần lưu ý những gì trong thời gian bé mắc bệnh không?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Các vết da, các sang thương ở da không cần bôi gì cả, sang thương này sẽ tự khỏi thôi. Mụn nước của tay chân miệng rất khó bội nhiễm. Vệ sinh tắm rửa bằng xà phòng cho bé giống như khi chưa mắc bệnh, cắt móng tay thì sẽ khó mà bội nhiễm được.

Việc sử dụng thuốc uống thường chỉ là thuốc giảm đau do đau miệng nhiều hay thuốc bôi để làm giảm loét miệng. Kháng sinh chỉ cần khi vết loét ở miệng bội nhiễm.

Bác sĩ Lê Hồng Nga – Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM trả lời giao lưu trực tuyến Tay chân miệng vào mùa: Làm sao để con bạn an toàn?

 

 

* Tôi là giáo viên mầm non. Do trong lớp có trẻ bị bệnh tay chân miệng nên tôi bị lây. Xin hỏi, tôi cần làm gì để không lây tiếp cho người trong gia đình?

 Bác sĩ Lê Hồng Nga:Bệnh tay chân miệng rất hiếm gặp trên người lớn. Tuy nhiên bàn tay người lớn là trung gian truyền bệnh cho các trẻ khác qua quá trình chăm sóc trẻ. 

Để phòng bệnh cho mọi người trong gia đình, cô giáo cần tuân thủ việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, đặc biệt rửa tay trước khi rời nơi làm việc và ngay khi về đến nhà. 

Nếu bản thân bạn có xuất hiện các triệu chứng bất thường thì nên đi khám bệnh để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Nếu được chẩn đoán là bệnh truyền nhiễm, bạn phải thực hiện cách ly theo hướng dẫn của bác sỹ.

* Trong lớp học có bé bị tay chân miệng đã nghỉ học, vậy thì bé nhà em có bị lây không?

– Bác sĩ Lê Hồng Nga:Theo quy định, tất cả trẻ bị bệnh tay chân miệng cũng như các bệnh truyền nhiễm khác đều phải được nghỉ học để tránh lây nhiễm cho trẻ khác. Tuy nhiên tiếp xúc với trẻ bệnh trước khi trẻ nghỉ học thì vẫn có thể bị nhiễm bệnh.

Bạn cho bé uống nước cam cũng rất tốt cho sức khỏe, nhưng để phòng bệnh tay chân miệng thì gia đình phải thực hiện rửa tay bằng xà phòng và vệ sinh khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng, khu vực sinh hoạt của trẻ.

* Các vết bóng nước khi bị tay chân miệng khác gì với các vết bóng nước do thủy đậu?

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:Cách phân biệt cũng khác nhiều: Tay chân miệng thì bóng nước tập trung tại các vùng lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối. Trong khi thủy đậu thì bóng nước có khuynh hướng mọc rải rác toàn thân.

Mụn nước của thủy đậu thường to và mỏng hơn. Mụn nước của tay chân miệng không đau trong khi mụn của thủy đậu thì gây ngứa và đau nhiều.

* Hiện tại đang là mùa dịch tay chân miệng. Tôi có bắt buộc giữ bé ở nhà, không cho cháu đi đến khu vui chơi thiếu nhi, khu vui chơi công cộng không?

– Bác sĩ Lê Hồng Nga:Ngành y tế không khuyến cáo hạn chế trẻ đến các khu vui chơi thiếu nhi. Tuy nhiên sau khi cho con đi chơi ở những nơi này, bạn cần cho trẻ rửa tay bằng xà phòng.Ngành y tế cũng khuyến cáo các khu vui chơi trẻ em trang bị bồn nước và xà phòng để phụ huynh rửa tay cho trẻ.

* Ở chỗ tôi có đến 3 trẻ mắc tay chân miệng. Tôi có thể liên hệ với Trung tâm Y tế dự phòng để nhờ trung tâm xuống nhà tẩy uế được không? )

– Bác sĩ Lê Hồng Nga:Việc khử khuẩn phải do chính gia đình thực hiện. Trạm y tế phường, xã sẽ hướng dẫn người dân thực hiện và giám sát tình hình dịch bệnh tại địa phương.

* Xin hỏi bác sĩ, tôi cần mua thuốc khử khuẩn thì có thể mua loại nào, ở đâu.

– Bác sĩ Trương Hữu Khanh:Thuốc khử khuẩn hiện nay là Cloramin B, thuốc này bạn có thể liên hệ với trạm y tế. Nếu có ca bệnh thì họ có thể phát cho bạn. Ngoài ra bạn có thể sử dụng dung dịch javel để pha loãng và sát khuẩn.

* Hiện nay, trường mẫu giáo đang rất sát sao việc theo dõi và phòng chống dịch tay chân miệng vậy mà cháu tôi cũng bị dính tay chân miệng, hiện đang ở nhà. Vậy tôi phải làm gì để tránh lây lan cho các bé hàng xóm?

– Bác sĩ Lê Hồng Nga:Trẻ có thể bị lây bệnh tay chân miệng ở nhà và ở trường. Nếu gia đình có trẻ bị bệnh tay chân miệng thì cần cách ly trẻ với các trẻ khác trong nhà, chăm sóc trẻ theo hướng dẫn của bác sỹ, vệ sinh khử khuẩn đồ chơi, đồ dùng và nơi sinh hoạt của trẻ bệnh bằng các hóa chất khử khuẩn thông thường như nước javel.

Ở TP.HCM, nếu gia đình có trẻ bệnh tay chân miệng, gia đình cần thông báo cho trạm y tế phường, xã để được hướng dẫn phòng lây nhiễm và cấp hóa chất chloramin khử khuẩn. Các trẻ chưa bị bệnh và cả người lớn cần thực hiện rửa tay bằng xà phòng thường xuyên.

* Thưa bác sĩ Nga. Đồ chơi của bé thì có thể rửa bằng xà phòng bình thường được không hay bắt buộc phải dùng cloramin B và nước javel?

– Bác sĩ Lê Hồng Nga:Nếu gia đình không có bệnh nhân tay chân miệng thì bạn chỉ cần rửa đồ chơi cho bé bằng xà phòng, sau đó phơi nắng.

* Làm gì để mọi người trong nhà không lây nhiễm bệnh tay chân miệng?

– Bác sĩ Lê Hồng Nga:Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên là biện pháp hiệu quả để phòng bệnh tay chân miệng và nhiều bệnh truyền nhiễm khác.

* Thưa bác sĩ. Hiện Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM có những biện pháp nào phổ biến đến người dân việc phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là dịch tay chân miệng hiện nay?

– Bác sĩ Lê Hồng Nga:Các hộ gia đình có trẻ em có thể liên hệ các trạm y tế phường, xã để được hướng dẫn phòng bệnh tay chân miệng. Ngoài ra các trên website của Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM và của Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe TP.HCM cũng cung cấp các hướng dẫn phòng bệnh này.

* Nếu tôi cần mua thuốc khử khuẩn thì có thể mua loại nào, ở đâu?

– Bác sĩ Lê Hồng Nga:Bạn có thể mua nước javel (nước tẩy trắng) để khử khuẩn phòng bệnh tay chân miệng. Lưu ý, nên mua các loại nước javel có nhãn in rõ hướng dẫn sử dụng và địa chỉ nơi sản xuất rõ ràng.

Nếu nhà có bệnh nhân, bạn nên liên hệ trạm y tế phường, xã nơi cư ngụ để được hướng dẫn nồng độ hóa chất khử khuẩn và cách thực hiện.

* Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM có các biện pháp gì để giúp kéo giảm bệnh tay chân miệng?

– Bác sĩ Lê Hồng Nga:Tay chân miệng xảy ra chủ yếu ở tuổi mầm non. Vì vậy việc kiểm soát bệnh tay chân miệng tập trung cho lứa tuổi này.

Sở Y tế đã phối hợp với Sở Giáo dục triển khai các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng trong các trường học. Song song đó là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông tại cộng đồng.

Trích nguồn: Báo Phụ Nữ

0 Bình luận
0

Related Posts