Home TIN TỨC & THƯỜNG THỨCTin Khoa học và Đời sống TP HCM: Cảnh báo các ca bệnh tay chân miệng biến chứng nặng có xu hướng gia tăng

TP HCM: Cảnh báo các ca bệnh tay chân miệng biến chứng nặng có xu hướng gia tăng

by Kiểm Nghiệm

Cập nhật: 14:14 16/04/2021 | Lần xem: 518

TP HCM: Cảnh báo các ca bệnh tay chân miệng biến chứng nặng có xu hướng gia tăng
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay TP.HCM có nguy cơ bùng phát dịch bệnh tay chân miệng (TCM) với xu hướng gia tăng các ca bệnh có biến chứng nặng giống như đợt dịch tay chân miệng vào năm 2011.

Ảnh: Các chuyên gia y tế họp bàn về tình hình dịch bệnh tại TP.HCM vào chiều 14.4.2021

ThS.BS Lê Hồng Nga – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.Hồ Chí Minh cho biết: số ca mắc TCM tại TP.HCM từ năm 2014 đến năm 2020 giảm nhiều so với giai đoạn năm 2011 – 2013. Trong vòng 6 năm qua, thành phố không có ca TCM tử vong. Tuy nhiên trong 3 tháng đầu năm 2021, số ca bệnh TCM đã tăng gần gấp đôi so với trung bình cùng kỳ từ năm 2017-2020. Đáng lưu ý số ca bệnh TCM nặng (độ 2b trở lên) đang có khuynh hướng gia tăng.

Trước tình hình gia tăng số bệnh nhân TCM, ngành Y tế thành phố đã triển khai nhiều hoạt động  như: Tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn của nhân viên y tế phụ trách công tác phòng, chống dịch; Ứng dụng công nghệ thông tin (báo cáo trực tuyến, phần mềm GIS) để phát hiện sớm sự xuất hiện các ca bệnh, ổ dịch; phát triển các công cụ tiện ích trên các phần mềm, ứng dụng sẵn có phục vụ cho việc phát hiện, theo dõi, xử lý ca bệnh, ổ dịch; Kiểm soát bệnh truyền nhiễm tại trường học, cộng đồng. 

Tại cuộc họp giữa các chuyên gia chuyên ngành bệnh truyền nhiễm chiều ngày 15/4/2021, BS.CK2. Nguyễn Hữu Hưng- Phó giám đốc Sở Y tế TP. HCM cho biết: Trong thời gian tới, ngành Y tế thành phố sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động truyền thông đến người dân về dịch bệnh TCM, tổ chức các lớp tập huấn chuyên môn cho nhân viên y tế, rà soát lại cơ số vật tư y tế để đối phó nguy cơ bùng phát dịch TCM. Bên cạnh đó, Ngành Y tế sẽ phối hợp với Ngành Giáo dục nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh TCM trong trường học.

Tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm thường gặp ở trẻ nhỏ, nhất là các bé dưới 5 tuổi. Bệnh tay chân miệng có tốc độ lây lan nhanh, dễ thành dịch, thời điểm dịch bùng phát  tháng 3-5 và từ tháng 8-9 hằng năm. Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ. Tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng và gây biến chứng nguy hiểm như viêm não – màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nên cần được phát hiện sớm, điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng chống bệnh tay chân miệng, người dân và cộng đồng cần thực hiện các biện pháp sau:

1. Rửa tay thường xuyên  cho cả người lớn và trẻ em

2. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống: ăn chín, uống chín; đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay, ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa, đồ chơi chưa được khử trùng.

3. Thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, tay nắm cửa, mặt bàn/ghế, sàn nhà… bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường.

4. Không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

5. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám.

6. Theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh chuyển nặng.

7. Cha mẹ có con bị tay chân miệng nên cho bé nghỉ học ít nhất 10 ngày để ngăn ngừa lây bệnh cho trẻ khác.

Hoài Thương – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh.

0 Bình luận
0

Related Posts