TÌM HIỂU BỆNH PARKINSON

by Kiểm Nghiệm

Cập nhật: 16:27 11/04/2021 | Lần xem: 266

TÌM HIỂU BỆNH PARKINSON
Bệnh Parkinson là gì?

Chúng ta có thể cử động nhanh nhẹn, linh hoạt là do các tế bào thần kinh khỏe mạnh trong não điều khiển. Trong đó, có một số tế bào thần kinh sản xuất ra một chất hóa học gọi là dopamin, và chính chất dopamin này giúp cho não của chúng ta điều khiển các cử động nhanh nhẹn ấy. Khi mắc phải bệnh Parkinson, các tế bào thần kinh này chết dần nên chất dopamin cũng giảm dần, do đó người bệnh không còn cử động nhanh nhẹn như trước nữa mà trở nên chậm chạp, khó khăn hơn.

Bệnh Parkinson là một bệnh thoái hóa tiến triển của não. Tiến triển có nghĩa là nặng dần theo thời gian, nhưng điều này thường xảy ra chậm qua nhiều năm, và nếu được điều trị tốt, người bệnh vẫn có thể có cuộc sống tốt.

Nguyên nhân nào gây ra bệnh Parkinson?

Chưa ai biết chính xác tại sao các tế bào thần kinh sản xuất dopamin lại bị chết, các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để tìm ra câu trả lời. Tuy nhiên, các yếu tố gen và môi trường được hướng đến nhiều nhất.

Chỉ một tỉ lệ nhỏ bệnh nhân Parkinson có cha mẹ, anh hoặc chị có bệnh(cũng mắc bệnh này). Tuy nhiên, bất thường gen thường chỉ gặp ở vài gia đình có bệnh Parkinson khởi phát ở người trẻ.

Yếu tố nào dễ đưa đến bệnh Parkinson?

Khó xác định yếu tố nguy cơ cho bệnh Parkinson vì nguyên nhân của bệnh vẫn chưa được biết rõ.

Tuổi là yếu tố nguy cơ duy nhất được biết đến hiện nay. Tuổi khởi bệnh trung bình là 60 tuổi tuy nhiên, sau 50 tuổi thì tuổi càng cao càng dễ mắc bệnh Parkinson. Tuy nhiên, có một số trường hợp bệnh Parkinson (khoảng 5%) khởi phát ở người trẻ.

Một số nghiên cứu cho rằng tiếp xúc lâu dài với vài yếu tố môi trường như thuốc trừ sâu, một số hóa chất… có thể tăng nguy cơ phát triển bệnh Parkinson. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa được chứng minh.

Triệu chứng của bệnh Parkinson là gì?

Bao gồm 4 triệu chứng chính: Run khi nghỉ, đơ cứng, cử động chậm, rối loạn dáng đi và thăng bằng.

Các triệu chứng khác có thể gặp ở bệnh nhân Parkinson: Chữ viết khó khăn, nhỏ dần; rối loạn tiêu hóa như bón, chảy nước dãi; rối loạn đường tiểu như tiểu không kiểm soát, tiểu khó; rối loạn sinh dục như giảm ham muốn tình dục, bất lực, tụt huyết áp tư thế, mất ngủ.

Bệnh Parkinson được chẩn đoán như thế nào?

Việc chẩn đoán bệnh Parkinson hoàn toàn dựa vào các thông tin lâm sàng kể trên. Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể thử điều trị bằng thuốc để xem triệu chứng có cải thiện không từ đó biết người đó có phải bị bệnh Parkinson hay không.

Không có xét nghiệm nào giúp chẩn đoán bệnh Parkinson, các xét nghiệm chỉ giúp loại trừ các bệnh có triệu chứng giống Parkinson. Ví dụ: chụp hình ảnh cộng hưởng từ (MRI) để xem bệnh nhân có bị đột quỵ hay u não hay không?

Những biến chứng gì xảy ra với người mắc bệnh Parkinson?

Các biến chứng thường xảy ra ở những bệnh nhân Parkinson giai đoạn trễ. Bao gồm:

Té ngã: rất thường gặp, gây chấn thương, gãy xương, đặc biệt gãy cổ xương đùi ở người lớn tuổi.
Sa sút trí tuệ (suy giảm trí nhớ)
Nhiễm trùng phổi, đường tiểu
Sụt cân, suy kiệt
Ngoài ra còn xuất hiện các biến chứng do điều trị thuốc levodopa như dao động vận động, loạn động. Biến chứng này thường khó tránh vì hầu hết bệnh nhân đều cần điều trị levodopa trong một thời gian dài, nói cách khác là dùng levodopa suốt đời.
Có thể điều trị được bệnh Parkinson hay không?

Cho đến nay vẫn chưa có phương thức nào chữa lành bệnh Parkinson. Vài loại thuốc có thể kiểm soát được triệu chứng và giúp cho người bệnh có chất lượng sống tốt hơn.

Các thuốc dùng trong điều trị bệnh Parkinson:

Levodopa, ví dụ thuốc điển hình là Madopar (levodopa + benserazide), Sinemet (levodopa + carbidopa), vốn là những thuốc thông dụng và kinh điển để điều trị bệnh Parkinson
Thuốc đồng vận dopamine ví dụ như pramipexol, piribedil, ropinirol…
Thuốc kháng cholinergic như trihexyphenydil
Ức chế MAO-B (selegiline…)
Amantadine
Phẫu thuật: cũng có thể hiệu quả trong một số trường hợp bệnh mà sự điều trị bằng thuốc không còn tác dụng hoặc thuốc gây ra nhiều tác dụng phụ bệnh nhân không thể chấp nhận.

Hãy sống chung với bệnh Parkinson

Ở giai đoạn sớm, bệnh thường không ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn. Nhưng khi bệnh nặng dần theo thời gian, cuộc sống của bạn sẽ bị ảnh hưởng. Việc điều trị là rất hữu ích để giúp duy trì một cuộc sống độc lập. Các phương pháp điều trị như đã trình bày ở trên là rất quan trọng và cần sự giúp đỡ của bác sĩ chuyên khoa. Ngoài ra, điều trị tại nhà cũng rất quan trọng, bao gồm:

Lựa chọn nơi ngủ nghỉ, sắp xếp đồ dùng cá nhân cho phù hợp, dễ sử dụng.
Ăn uống lành mạnh.
Tập thể dục
Vài cách tự kiểm soát triệu chứng tại nhà:
Run nhiều: luôn cầm vật gì đó trên tay để giảm run.
Đông cứng (khởi đầu đi khó): bước theo một điểm đích trên sàn nhà…
Dinh dưỡng như thế nào là thích hợp cho bệnh nhân Parkinson?

Một chế độ ăn đủ dinh dưỡng, sinh tố, khoáng chất là hợp lý cho mọi người chứ không riêng gì bệnh nhân Parkinson. Cân bằng chế độ ăn này bao gồm: trái cây, rau quả, ngũ cốc, đậu, cá, gia cầm, thịt nạc và các thức ăn hàng ngày ít mỡ.

Đạm trong thức ăn có thể ngăn cản sự hấp thu levodopa, làm ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc. Do đó, nên chia bữa ăn đạm thành nhiều lần, hoặc ăn vào ban đêm để cơ thể không bị thiếu đạm.

Bệnh Parkinson cũng như thuốc điều trị thường dễ gây táo bón, do đó nên uống nhiều nước, ăn nhiều thức ăn có chất xơ như rau, quả, củ.

Trà, cafe và coca có thể làm run thêm, bệnh nhân Parkinson thể run không nên uống những thứ này.

Giai đoạn sớm của bệnh, nên uống thuốc lúc no để giảm tác dụng phụ như buồn nôn, nôn. Khi bệnh tiến triển, uống thuốc ít nhất 1 giờ trước ăn hoặc 2 giờ sau ăn có thể giúp thuốc tác dụng tốt hơn.

Tập thể dục và vật lý trị liệu như thế nào trong bệnh Parkinson?

Tập thể dục có thể là đi bộ, bơi lội, đạp xe, khiêu vũ… Trong đó đi bộ là phương pháp đơn giản và hiệu quả đối với bệnh nhân Parkinson. Khi đi, cần chú ý giữ tư thế thẳng, chân bước dài, cánh tay đong đưa. Khởi đầu tập mỗi ngày 5-10 phút, rồi tăng dần đến 30 phút. Ngoài ra, còn có các bài tập thư dãn, bài tập kéo căng… Tùy từng bệnh nhân sẽ có chương trình tập luyện cụ thể.

ThS BS Trần Ngọc Tài

Nguồn: Tìm hiểu bệnh parkinson (umc.edu.vn)

 

0 Bình luận
0

Related Posts